QUY TẮC TRỌNG TÀI RÚT GỌN UNCITRAL 2021
Quy tắc Trọng tài Rút gọn (“Quy tắc Rút gọn”), được Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (“UNCITRAL”) thông qua vào ngày 21 tháng 7 năm 2021, có hiệu lực từ ngày 19 tháng 9 năm 2021 (“Ngày Hiệu lực”). Được xác định là một phụ lục của Quy tắc Trọng tài UNCITRAL, Quy tắc Trọng tài UNCITRAL và Quy tắc rút gọn cần được sử dụng và tham chiếu đến đồng thời để đảm bảo sự chính xác trong việc tiến hành tố tụng. Dưới đây là một số điểm đáng chú ý của Quy tắc Rút gọn.
1. Áp dụng Quy tắc Trọng tài Rút gọn UNCITRAL
Các bên cần thể hiện sự đồng ý rõ ràng để có thể áp dụng Quy tắc Rút gọn. Các bên đã ký kết thỏa thuận trọng tài hoặc đã tiến hành thủ tục trọng tài theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL trước Ngày Hiệu lực, sau đó vẫn có thể đưa tranh chấp của mình ra xét xử theo Quy tắc Rút gọn nếu họ đồng ý. Tuy nhiên, các bên tham gia thỏa thuận trọng tài được ký kết trước Ngày Hiệu lực không được mặc nhiên coi là đồng ý giải quyết tranh chấp trọng tài bằng Quy tắc Rút gọn mặc dù Quy tắc Rút gọn được trình bày như một phụ lục của Quy tắc Trọng tài UNCITRAL.
Không giống như một số quy tắc trọng tài rút gọn khác, Quy tắc Rút gọn có thể được sử dụng bất kể mức trần giá trị của tranh chấp. Ví dụ: theo quy tắc trọng tài rút gọn của Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ, nếu giá trị tranh chấp dưới 75.000 USD, quy tắc trọng tài rút gọn sẽ mặc nhiên được áp dụng trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
2. Không áp dụng Quy tắc Rút gọn
Điều 2 của Quy tắc Rút gọn liệt kê các trường hợp cho phép các bên đồng ý không áp dụng Quy tắc Rút gọn khi căn cứ vào các các tình huống phát sinh, thủ tục trọng tài rút gọn không còn phù hợp để giải quyết tranh chấp. Khi yêu cầu không áp dụng Quy tắc Rút gọn là yêu cầu đơn phương, hội đồng trọng tài sẽ xem xét liệu Quy tắc Rút gọn có còn phù hợp để giải quyết tranh chấp hay không trước khi đưa ra quyết định.
3. Ứng dụng các phương tiện công nghệ
Hội đồng trọng tài có thể sử dụng bất kỳ nền tảng công nghệ nào để tổ chức bất kỳ giai đoạn nào của thủ tục trọng tài mà không có sự hiện diện thực tế của các bên hoặc nhân chứng, bao gồm thủ tục tố tụng từ xa. Việc ứng dụng các nền tảng công nghệ trong trọng tài được áp dụng rộng rãi trong nhiều quy tắc trọng tài như Quy tắc Trọng tài ICC 2021 (Điều 26.1).
Theo Điều 9 của Quy tắc Rút gọn, Tham vấn, có vai trò như một giai đoạn mấu chốt để thủ tục trọng tài rút gọn diễn ra một cách hiệu quả và công bằng, có thể được tiến hành thông qua họp trực tiếp, bằng văn bản, qua điện thoại, hội nghị truyền hình hoặc các phương tiện liên lạc khác. Quy tắc Rút gọn cho phép tiến hành tham vấn và xét xử mà không cần có sự hiện diện thực tế của các bên. Tuy nhiên, Điều 11 của Quy tắc Rút gọn nhấn mạnh quyền quyết định của hội đồng trọng tài trong việc có hay không tiến hành xét xử theo thủ tục rút gọn nếu không có yêu cầu của bất kỳ bên nào.
4. Quyền quyết định của hội đồng trọng tài
Quyền quyết định của hội đồng trọng tài được đề cập trong Quy tắc Rút gọn tại các nội dung về khung thời gian (Điều 10), việc tổ chức phiên xử (Điều 11), việc yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng (Điều 15), v.v. Đặc biệt, liên quan đến phán quyết của trọng tài rút gọn, Điều 16 quy định một khoảng thời gian là 6 tháng cho việc đưa ra phán quyết và cơ chế kéo dài khoảng thời gian đó trong những trường hợp ngoại lệ. Do đó, hội đồng trọng tài vẫn có thể kéo dài khoảng thời gian này bằng cách xác định xem đây có phải là trường hợp đặc biệt hay không.