banner

FIFA VÀ TRANH CHẤP GIỮA CLB HẢI PHÒNG – CẦU THỦ MPANDE |

FIFA VÀ TRANH CHẤP GIỮA CLB HẢI PHÒNG – CẦU THỦ MPANDE

A. Tóm tắt tranh chấp giữa Mpande & CLB Hải Phòng
Vào tháng 3 năm 2021, Câu lạc bộ Bóng đá Hải Phòng (CLB Hải Phòng) có tranh chấp về quan hệ lao động với cựu cầu thủ người Uganda của câu lạc bộ, ông Joseph Mbolimbo Mpande (Mpande). Do tác động của đại dịch Covid-19, Mpande không thể bay sang Việt Nam thi đấu tại giải V. League cho CLB Hải Phòng vì không chuyến bay thương mại nào được phép hoạt động. CLB Hải Phòng đã quyết định chấm dứt hợp đồng mà không có sự đồng ý của Mpande. Mpande sau đó đã khởi kiện đến FIFA để yêu cầu CLB Hải Phòng thanh toán tiền lương cho mình.
Vào ngày 14 tháng 4 năm 2021, CLB Hải Phòng và Mpande đã thỏa thuận được về việc thanh toán tiền lương, theo đó CLB Hải Phòng trả cho Mpande 14.250 USD và hai bên đã đồng ý ký kết thỏa thuận không khiếu kiện. Tuy nhiên, các bên đã không thông báo cho FIFA về thỏa thuận này.
Do không có thông tin chính thức về thỏa thuận này, vào ngày 7 tháng 5 năm 2021, FIFA đã ban hành quyết định, căn cứ theo yêu cầu khởi kiện của Mpande trước đó vào tháng 3, yêu cầu CLB Hải Phòng trả cho Mpande 56.500 USD.
Sau khi nhận được quyết định của FIFA, CLB Hải Phòng đã thông báo với FIFA rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Mpande từ trước đó.
Theo đó, CLB Hải Phòng cũng nhờ Mpande hỗ trợ trong việc xác nhận với FIFA về sự tồn tại của thỏa thuận này. Kết quả, và FIFA đã hủy bỏ quyết định nêu trên.

B. Các vấn đề pháp lý từ tranh chấp này
Vụ việc nêu trên đặt ra một số vấn đề pháp lý liên quan đến quan hệ lao động giữa cầu thủ nước ngoài và câu lạc bộ bóng đá Việt Nam, đặc biệt là về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của FIFA và các vấn đề liên quan. Các phần dưới đây của bài viết này sẽ phân tích (1) thẩm quyền riêng biệt của FIFA đối với các tranh chấp liên quan đến bóng đá; (2) xung đột với thẩm quyền của tòa án Việt Nam; và (3) kinh nghiệm từ vụ việc Mpande & CLB Hải Phòng.
1. Thẩm quyền riêng biệt của FIFA đối với các tranh chấp liên quan đến bóng đá
FIFA có thẩm quyền riêng biệt trong việc giải quyết hầu hết các tranh chấp liên quan đến bóng đá trên thế giới. FIFA tự thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp của riêng mình và ngăn cấm các bên liên quan đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án quốc gia, trừ trường hợp ngoại lệ được quy định cụ thể bởi FIFA . FIFA đảm bảo thẩm quyền của mình thông qua việc buộc các liên đoàn thành viên phải quy định trong điều lệ rằng các câu lạc bộ và thành viên trực thuộc các liên đoàn này không được phép đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án quốc gia. Việc FIFA duy trì thẩm quyền riêng biệt trong giải quyết tranh chấp liên quan đến bóng đá có thể được hiểu nhằm mục đích phát triển và thúc đẩy nền bóng đá quốc tế và ngăn chặn sự can thiệp chính trị từ chính quyền vào bóng đá.
Với tư cách là thành viên của FIFA, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cũng đã bao gồm điều khoản về thẩm quyền riêng biệt này vào Điều 66 Điều lệ. Cụ thể, VFF, các thành viên, cầu thủ, huấn luyện viên, đơn vị trung gian và đơn vị tổ chức các trận đấu, giải đấu bóng đá không được đưa bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến bóng đá ra giải quyết tại tòa án trừ những trường hợp đặc biệt được quy định trong Điều lệ và các Quy chế của FIFA. Mọi tranh chấp liên quan đến bóng đá đều thuộc thẩm quyền giải quyết của FIFA, AFC và VFF.
Theo quy định của FIFA, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (DRC) sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp phát sinh. DRC là một trong ba cơ quan trực thuộc Hội đồng Bóng đá FIFA, theo quy định tại Điều 54 của Điều lệ FIFA. DRC là cơ quan quyết định của FIFA trong việc tiến hành tố tụng trọng tài và giải quyết tranh chấp trên cơ sở đại diện bình đẳng của các cầu thủ, câu lạc bộ và chủ tịch độc lập. Theo Điều 24.1 và 22 của Quy chế về Địa vị pháp lý và Chuyển nhượng Cầu thủ của FIFA (FSTP), DRC có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp có tính chất quốc tế liên quan đến quan hệ lao động giữa một cầu thủ và một câu lạc bộ. Cơ quan phân nhánh của DRC tại từng quốc gia là Cơ quan Giải quyết Tranh chấp Quốc gia (NDRC). NDRC được quản lý bởi liên đoàn thành viên của FIFA tại quốc gia đó, ví dụ như VFF, theo các tiêu chuẩn nhất định đặt ra bởi FIFA. NDRC phụ trách giải quyết các tranh chấp có tính chất địa phương, chẳng hạn như tranh chấp lao động giữa cầu thủ và câu lạc bộ có cùng quốc tịch. Hơn nữa, FIFA cũng công nhận thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) có trụ sở chính tại Lausanne (Thụy Sĩ) trong việc giải quyết một số loại tranh chấp.
2. Xung đột với thẩm quyền của tòa án Việt Nam
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tranh chấp lao động, chẳng hạn như tranh chấp giữa Mpande và CLB Hải Phòng, thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan giải quyết tranh chấp Việt Nam bao gồm hòa giải viên lao động, hội đồng trọng tài lao động và tòa án . Tuy nhiên, quy định này mâu thuẫn với thẩm quyền riêng biệt của FIFA và các liên đoàn thành viên địa phương (VFF) như đã nêu ở trên. Câu hỏi đặt ra là thẩm quyền của cơ quan nào sẽ được ưu tiên và điều gì sẽ xảy ra nếu các bên nhất quyết đưa tranh chấp ra tòa án quốc gia? Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể được tham khảo tại vụ việc thực tế tại Việt Nam sau.
Năm 2013, cầu thủ Chí Công từng có tranh chấp với Câu lạc bộ Bóng đá Bình Dương về khoản tiền chuyển nhượng của mình. Các bên dự định đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án. Tuy nhiên, VFF đã trích dẫn nội dung về thẩm quyền riêng biệt của FIFA và yêu cầu các bên giải trình về vấn đề này . VFF cũng nhấn mạnh rằng nếu các bên không tuân thủ theo đúng quy trình khi tùy tiện đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa án quốc gia, và đi ngược lại các quy định của FIFA và VFF, các bên sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của VFF .
Mặc dù FIFA và VFF chỉ là những tổ chức xã hội độc lập, và các quyết định của DRC/NDRC không được coi là phán quyết trọng tài hay bản án của tòa án, có thể nhận thấy cơ chế giải quyết tranh chấp của FIFA vẫn tỏ ra rất hiệu quả. Thông qua các hình thức kỷ luật như cấm thi đấu, cấm đăng ký tham gia giải,… FIFA và các liên đoàn thành viên địa phương có thể thi hành quyết định bằng cách trực tiếp can thiệp vào quyền tham gia trong cộng đồng bóng đá thế giới của các đối tượng có liên quan.
3. Kinh nghiệm từ vụ việc của Mpande & CLB Hải Phòng
Để giải quyết tranh chấp, DRC thường sử dụng hệ thống văn bản riêng biệt của FIFA làm luật áp dụng. Đối với tranh chấp lao động, các văn bản này có thể bao gồm Quy chế của FIFA, Quy chế về Địa vị pháp lý và Chuyển nhượng Cầu thủ của FIFA (FSTP) và Quy tắc của FIFA về Thủ tục Tố tụng của Ủy ban Tư cách Cầu thủ và Cơ quan Giải quyết Tranh chấp (Quy tắc Thủ tục). Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể, nhưng không bắt buộc, sử dụng các nguồn luật khác như luật quốc gia khi thực hiện giải quyết tranh chấp.
Mặc dù là một hệ thống văn bản riêng biệt, các quy định của FIFA vẫn tuân theo các nguyên tắc pháp lý chung. Trong tranh chấp giữa Mpande và CLB Hải Phòng, FIFA vẫn công nhận nguyên tắc tự quyết của các bên và hủy bỏ việc thi hành quyết định kỷ luật sau khi công nhận về thỏa thuận giữa các bên. Mặc dù không có quy định rõ ràng về thủ tục hủy bỏ này, các quy định của FIFA cũng cung cấp đủ cơ sở cho phép cơ quan có thẩm quyền của FIFA sửa đổi các quyết định của mình theo từng trường hợp. Điều 24 của Quy tắc Kỷ luật FIFA cho phép cơ quan giải quyết tranh chấp xác định loại và mức độ áp dụng biện pháp kỷ luật, và có thể giảm thiểu hoặc bãi bỏ hoàn toàn biện pháp kỷ luật nếu thấy hợp lý. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc được nêu trong Điều 5.4 của Quy tắc Tố tụng, theo đó yêu cầu khởi kiện chỉ được xem xét nếu có lý do chính đáng. Ngoài ra, với tư cách là một tổ chức xã hội độc lập, thay vì là cơ quan chính phủ, FIFA có thể thực hiện quyền lực của mình một cách linh hoạt, miễn đảm bảo mục tiêu cao nhất là duy trì một cộng đồng bóng đá công bằng và lành mạnh.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quyết định của FIFA và sự phối hợp giữa các bên liên quan có tranh chấp có thể được cải thiện hơn nữa. Trong trường hợp này, do thiếu sự phối hợp giữa các bên và sự không rõ ràng về mặt thủ tục, FIFA vẫn ban hành quyết định và sau đó lại hủy bỏ khi được Mpande xác nhận về thỏa thuận với CLB Hải Phòng. Do đó, các bên cần phải thực sự hiểu và tuân thủ hệ thống quy định đặc thù này của FIFA. Các liên đoàn địa phương như VFF cũng cần thể hiện vai trò tích cực và trách nhiệm hơn trong việc làm cầu nối giữa FIFA với các câu lạc bộ và cầu thủ địa phương.

Relevant topic: CONDITION ON AN EMPLOYER TO TERMINATE LABOUR CONTRACT

Go to
  • Expertise
  • People
  • Cases
  • Courses