BÁO CÁO VỀ KIỂM SOÁT HOẠT ĐỘNG TẬP TRUNG KINH TẾ CỦA LĨNH VỰC CẠNH TRANH TRONG GIAI ĐOẠN 2019-2021
Mở đầu
Cuối năm 2019, những ảnh hưởng của dịch COVID-19 bắt đầu gây ra tác động nặng nề đến hoạt động kinh tế và giao dịch trên toàn cầu. Với tình trạng tạm đóng cửa và giãn cách xã hội ở khắp nơi trên thế giới, các nền kinh tế cũng đã gánh chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) vẫn diễn ra và là một điểm sáng nổi bật. Vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (VCCA) thuộc Bộ Công Thương vừa phát hành ấn phẩm báo cáo về hoạt động tập trung kinh tế (“TTKT”) trong giai đoạn hai năm vừa qua (“Báo cáo”), trong đó có trình bày một số nhận xét đáng chú ý như sau.
1. Tình hình hoạt động tập trung kinh tế (“TTKT”) trên thế giới và tại Việt Nam
Trên quy mô toàn cầu, nhìn chung hoạt động TTKT với các thương vụ M&A vẫn có sự tăng trưởng tích cực trong giai đoạn 2019 – 2021. Hoạt động giao dịch chỉ giảm sút nhẹ ở thời điểm mới bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 vào cuối năm 2019. Giá trị các giao dịch nhanh chóng phục hồi và gia tăng từ hơn 970 tỷ đô la Mỹ vào nửa đầu năm 2020 đến khoảng 2600 tỷ đô la Mỹ vào giữa năm 2021. Công nghệ trở thành lĩnh vực nổi bật nhất trong các giao dịch M&A lớn từ nửa cuối năm 2019 đến nay, với giá trị chiếm hơn một phần ba của tất cả giao dịch.
Hoạt động M&A ở Việt Nam khá nổi bật vào các năm 2019 – 2020 với các thương vụ lớn như việc hợp nhất, hoán đổi cổ phần giữa VinCommerce, VinEco với Masan Consumer trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng; mua phần vốn điều lệ giữa KEB Hana Bank (Hàn Quốc) với BIDV trong lĩnh vực ngân hàng với giá trị 878 triệu đô la Mỹ; mua lại cổ phần giữa KKR & Temasek và Vinhomes với giá trị 652 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, tổng giá trị từ hoạt động TTKT trong năm 2020 giảm mạnh với chỉ 3,5 tỷ đô la Mỹ (chỉ bằng 48,6% so với năm 2019).
Một số tập đoàn lớn của Việt Nam đã thực hiện các thương vụ thành công, kéo theo tỉ trọng của các thương vụ TTKT có bên mua là doanh nghiệp Việt Nam tăng lên đáng kể, chiểm một phần ba tổng giá trị giao dịch TTKT được thực hiện tại Việt Nam. Nhiều hoạt động TTKT tiếp tục được các doanh nghiệp Việt Nam lên kế hoạch và dự kiến thực hiện trong thời gian tới. Dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng giá trị TTKT của Việt Nam sẽ vượt 4,5 tỷ đô la Mỹ trong năm 2021 và sẽ đạt 7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2022. Các lĩnh vực được quan tâm và kỳ vọng trong thời gian tới gồm có: bán lẻ, công nghiệp, nông nghiệp, năng lượng, viễn thông, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục, v.v. Đồng thời, dự báo cũng xác định các nhà đầu tư lớn chủ yếu đến từ Châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore.
2. Kiểm soát TTKT tại Việt Nam theo pháp luật cạnh tranh
Kể từ khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực vào ngày 01/07/2019, Bộ Công Thương đã tiếp nhận 125 hồ sơ thông báo TTKT. Đồng thời, VCCA đã tiến hành thẩm định các giao dịch TTKT trên. Trong đó, có 13/125 (chiếm khoảng 10%) giao dịch đã được xác định thuộc trường hợp thẩm định chính thức. Đó là các trường hợp hoạt động TTKT có tiềm ẩn tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể hoặc có nguy cơ gây quan ngại về cạnh tranh trên thị trường liên quan.
Trong số 125 giao dịch TTKT được thông báo tới Bộ Công Thương, khoảng 30% giao dịch được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sở dĩ các giao dịch này được thực hiện ở nước ngoài nhưng vẫn phải thực hiện thông báo TTKT tới Bộ Công Thương là do các doanh nghiệp tham gia TTKT thuộc các trường hợp sau đây: (i) có hiện diện thương mại tại Việt Nam (có công ty con, chi nhánh, đại lý ủy quyền tại Việt Nam); (ii) có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (trong trường hợp không có hiện diện thương mại tại Việt Nam) thông qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Hình thức TTKT chủ yếu là hoạt động mua lại, chiếm đến 80%, còn lại các giao dịch khác diễn ra với hình thức sáp nhập hoặc liên doanh. Xét theo đặc điểm của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan, các hoạt động TTKT có thể xảy ra theo chiều ngang hoặc chiều dọc. TTKT theo chiều ngang xảy ra phổ biến nhất với 56 giao dịch (chiếm 45%), tiếp theo là giao dịch dạng hỗn hợp (giao dịch TTKT giữa các doanh nghiệp hoạt động trên các thị trường liên quan khác nhau) với 45 giao dịch (chiếm 36%).
3. Một số đánh giá
Báo cáo đã tổng kết với các ý kiến đánh giá như sau:
Theo Luật Cạnh tranh 2018, không phải tất cả giao dịch TTKT đều thuộc trường hợp phải kiểm soát. Quy định pháp luật về kiểm soát TTKT điều chỉnh các đối tượng có khả năng gây ra tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể đến thị trường, trong đó đặc biệt chú ý đến nguy cơ lạm dụng vị trí thống lĩnh và độc quyền để gây hại tới môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.
Trong hai năm vừa qua, các giao dịch TTKT được kiểm soát tại Việt Nam đa số được thực hiện bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Lĩnh vực có các giao dịch TTKT được thông báo nhiều nhất là bất động sản, bao gồm cả bất động sản để ở và không để ở. Các giao dịch TTKT có yếu tố nước ngoài có xu hướng gia tăng.
Đáng lưu ý là các giao dịch TTKT được thực hiện bên ngoài Việt Nam không được nêu tại Luật Cạnh tranh 2004 nay đã được điều chỉnh và được áp dụng trên thực tế theo Luật Cạnh tranh 2018. Có thể nhận thấy các giao dịch TTKT thực hiện ở nước ngoài có tính chất phức tạp, cần được xem xét và đánh giá ở phạm vi rộng hơn, bao gồm tổng thể các bước, các giai đoạn, nhiều hình thức khác nhau diễn ra trong một giao dịch cụ thể.