EU – MỸ ĐÌNH CHIẾN TRONG TRANH CHẤP HÀNG KHÔNG
1. Vụ kiện dài nhất trong lịch sử WTO
Kể từ thập niên 80, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất máy bay dân dụng của Mỹ và châu Âu ngày càng trở nên gay gắt. Từ 1992 đến 2004, Hiệp định về mua bán máy bay dân dụng đã quy định các hạn mức chính phủ được phép trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay. Năm 2003, hãng Airbus của châu Âu lần đầu tiên bán được nhiều máy bay dân dụng hơn Boeing của Mỹ. Mỹ phản ứng bằng cách ngưng áp dụng Hiệp định trên và đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (“WTO”) đối với Liên minh Châu Âu (“EU”) vì theo Mỹ, EU có hành vi trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus thông qua Hiệp hội Hàng không Châu Âu (LCA). Đáp lại, EU cũng khởi kiện Mỹ tại WTO vào tháng 5/2005 với cáo buộc hành vi trợ cấp bất hợp pháp cho Boeing (sau đây gọi chung là “Tranh chấp”).
Sau nhiều phán quyết của WTO liên quan đến Tranh chấp, cả Mỹ (vào tháng 10/2019) và EU (vào tháng 11/2020) đã áp đặt các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của nhau, ảnh hưởng tới 11,5 tỷ Đô la Mỹ trị giá thương mại giữa hai bên. Kết quả là các doanh nghiệp EU và Hoa Kỳ đã phải bỏ ra hơn 3,3 tỷ Đô la Mỹ tiền thuế. Ngoài thuế quan, ngành hàng trong khoảng thời gian gần đây cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch toàn cầu Covid-19.
2. Đạt được thoả thuận sau 17 năm
Vào ngày 15/6/2021, Mỹ và EU cuối cùng cũng đã đạt được thỏa thuận trong tranh chấp thương mại có thể nói là dài nhất và lớn nhất trong lịch sử của WTO. Theo đó, Mỹ và EU nhất trí ngừng áp thuế trả đũa trong 5 năm và sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong việc xử lý các hoạt động thương mại phi thị trường trong lĩnh vực hàng khôngtừ phía Trung Quốc, bao gồm các hoạt động đầu tư trong và ngoài nước cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ.
Mỹ và EU đã đồng ý hành động trong khuôn khổ “Cơ chế hợp tác ngành Hàng không Dân dụng” nhằm thúc đẩy một sân chơi bình đẳng, vượt qua rào cản khác biệt lâu đời và giải quyết những thách thức chung, bao gồm cả những lo ngại đối với một số động thái kinh tế nhất định của Trung Quốc. Trong phạm vi khuôn khổ, hai bên đã nhất trí với các nguyên tắc chung sau đây làm định hướng cho sự hợp tác trong tương lai:
• Ngừng áp thuế trả đũa trong năm năm. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao độ của các bên để bắt đầu trên con đường hợp tác cùng phát triển. Thoả thuận này vẫn sẽ cho phép Mỹ có thể áp dụng lại các hàng rào thuế quan nếu EU khôngcạnh tranh một cách bình đẳng hoặc ngược lại.
• Thành lập Tổ Công tác Hàng không Dân dụng do Bộ trưởng Bộ Thương mại mỗi bên đứng đầu, chủ động phân tích và khắc phục bất kỳ mâu thuẫn hay bất đồng nào có thể nảy sinh giữa các bên.
• Tạo sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho ngành không bằng cách (i) hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất máy bay dân dụng lớn theo điều kiện thị trường, (ii) tài trợ vốn cho các chương trình nghiên cứu và phát triển công khai và minh bạch và các kết quả nghiên cứu từ các chương trình do chính phủ tài trợ toàn phần sẽ được phổ biến rộng rãi, trong phạm vi được pháp luật cho phép, và (iii) không tài trợ vốn cho các chương trình nghiên cứu và phát triển hay hỗ trợ bằng các phương thức khác (chẳng hạn như giảm thuế) cho các nhà sản xuất của mình nếu kết quả có thể sẽ gây tổn hại cho bên còn lại.
• Hợp tác cùng giải quyết các hành vi phi thị trường của các bên thứ ba có thể gây hại cho các ngành công nghiệp máy bay dân dụng của EU và Mỹ.
3. Tác động
Thỏa thuận trên giữa hai bên sẽ cứu trợ cho hàng chục ngành công nghiệp khác đang bị ảnh hưởng bởi các hàng rào thuế quan, bao gồm ngành hàng không, rượu, ngành sữa và phomai, máy móc, các loại hạt, thuốc lá, rượu mạnh, túi xách, v.v. Thỏa thuận này cũng sẽ cho phép EU và Mỹ tập trung vào giải quyết các vấn đề song phương khác cũng như các thách thức toàn cầu, ví dụ như thách thức do Trung Quốc gây ra.
4. Bước tiếp theo
Dù vẫn còn nhiều trở ngại nhưng đây là một thoả thuận mang tính lịch sử, đánh dấu một bước tiến tích cực trong quan hệ thương mại khu vực Đại Tây Dương. Hai bên sẽ tiếp tục thảo luận để thực hiện các dự định của mình về tài chính, tài trợ nghiên cứu và phát triển cũng như các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho ngành hàng không dân dụng