banner

LUẬT HÀNG HẢI CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG |

LUẬT HÀNG HẢI CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

Bên cạnh sức mạnh quân sự, Trung Quốc đã và đang sử dụng nhiều công cụ chính trị, kinh tế và luật pháp để tiếp tục gia tăng kiểm soát trên Biển Đông. Việc sửa đổi Luật An toàn Giao thông Hàng hải của Trung Quốc (Luật Hàng hải mới) là một bước tiến khác trong chiến lược “vùng xám” của nước này, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng từ các nước láng giềng trong khu vực.
Nhìn chung, Luật Hàng hải mới thắt chặt quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các tàu thuyền đi qua lãnh hải Trung Quốc. Tuy nhiên, do Trung Quốc hiện nay đang tuyên bố chủ quyền với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, việc qua lại tự do của tàu thuyền trên vùng biển quốc tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Pháp luật quốc tế về quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), chủ quyền của một quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ đất liền và vùng nội thủy của quốc gia đó đến một vùng biển tiếp liền được gọi là “lãnh hải”. Lãnh hải có chiều rộng tối đa là 12 hải lý tính từ đường cơ sở của quốc gia ven biển .
Đối với các đảo thuộc một quốc gia, chế độ lãnh hải cũng được áp dụng. Cần lưu ý rằng đảo được định nghĩa là một vùng đất thỏa mãn các điều kiện sau: được hình thành tự nhiên, có nước bao bọc và khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước .
Việc tàu thuyền đi qua lãnh hải của một quốc gia khác được coi là không gây hại nếu nó không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hoặc an ninh của quốc gia ven biển. UNCLOS cũng đưa ra các tiêu chí chung để xác định thế nào là việc đi qua không gây hại .
Hơn nữa, UNCLOS cũng trao cho quốc gia ven biển quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và hạn chế việc đi qua có khả năng gây hại . Tuy nhiên, không có hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện các biện pháp đó và quốc gia ven biển có toàn quyền trong việc ban hành và thực thi các quy định liên quan đến vấn đề này.

Những yêu cầu pháp lý của Luật Hàng hải mới về quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải

Sự gia tăng kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông theo quy định của Luật Hàng hải mới
Luật Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của Trung Quốc trước đó đưa ra điều kiện rằng tàu quân sự nước ngoài phải được phép mới được di chuyển vào lãnh hải Trung Quốc, tàu ngầm phải đi qua trong trạng thái nổi trên mặt nước; và các tàu chở vật liệu độc hại phải có giấy tờ cần thiết và có các biện pháp phòng ngừa trong xử lý hàng hóa.
Luật Hàng hải mới đã sửa đổi các yêu cầu này, theo đó người điều khiển của tàu ngầm, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ và tàu chở dầu rời, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hại khác phải cung cấp thông tin chi tiết bao gồm tên tàu, tên liên lạc, vị trí hiện tại, hàng hóa, cảng ghé và thời gian đến dự kiến khi tiến vào lãnh hải Trung Quốc.
Luật Hàng hải mới cho phép Trung Quốc thiết lập các khu vực báo cáo và định tuyến tàu, khu vực kiểm soát giao thông và khu vực hạn chế hàng hải. Tàu đi qua vùng đánh cá quan trọng, vùng có mật độ hàng hải cao, khu vực định tuyến tàu và các khu vực bị kiểm soát giao thông phải được tăng cường giám sát, duy trì tốc độ an toàn, và tuân thủ các quy tắc điều hướng đặc biệt.
Luật Hàng hải mới cũng góp phần tăng cường việc thi hành Luật Cảnh sát Biển Trung Quốc sửa đổi, đã được thông qua vào tháng 2 năm 2021. Theo đó, tàu chiến nước ngoài và các tàu chức năng của chính phủ nước khác sử dụng cho các mục đích phi thương mại mà vi phạm pháp luật Trung Quốc khi thực hiện việc đi qua không gây hại sẽ bị xử lý bằng tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp, căn cứ theo “các luật và quy định hành chính có liên quan” .
Nhìn chung, Luật Hàng hải mới không trực tiếp đi ngược lại các quy định của UNCLOS. Tuy nhiên, Luật Hàng hải mới đưa ra các định nghĩa không rõ ràng về các loại tàu nằm trong phạm vi điều chỉnh và các trường hợp được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc. Cách định nghĩa này, nếu được giải thích theo nghĩa rộng, có thể bao gồm bất kỳ loại tàu nào mà chính quyền Trung Quốc coi cho là “nguy hiểm”, bao gồm tàu đánh cá, và cả tàu cảnh sát biển của các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, việc hạn chế quyền đi qua không gây hại của các tàu nước ngoài trong lãnh hải của mình cũng đem lại những rủi ro nhất định với Trung Quốc. Các yêu cầu quá khắt khe về nghĩa vụ thông báo và cung cấp thông tin có thể được xem là việc cản trở quyền đi qua của các tàu bè. Cách thức thực thi và các biện pháp trừng phạt được áp dụng theo “các luật và quy định hành chính có liên quan” cũng rất mơ hồ và đa nghĩa. Đây có thể được coi là hành vi cản trở quyền đi qua không gây hại theo UNCLOS .
Yêu sách trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông
Vì khu vực địa lý được Luật Hàng hải mới áp dụng là vùng lãnh hải của Trung Quốc, nên yêu sách sai trái của Trung Quốc về khu vực này là lý do chính khiến Luật Hàng hải mới có khả năng cản trở việc đi qua không gây hại của tàu bè ở Biển Đông. Luật Hàng hải mới có hiệu lực áp dụng đối với các khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc . Tuy nhiên, vẫn còn có tranh cãi về việc xác định những khu vực nào trong Biển Đông thuộc lãnh hải của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện quyền của mình trong lãnh hải hợp pháp thuộc phạm vi 12 hải lý tính từ đường cơ sở ven biển, thì Luật Hàng hải mới sẽ không gây ra nhiều lo ngại như vậy. Tuy nhiên, Trung Quốc đã và đang chiếm đóng trái phép nhiều bãi đá thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và xây dựng chúng thành các căn cứ quân sự, có quân đội đóng quân thường xuyên. Các căn cứ này cũng được trang bị hệ thống phòng không, đường băng chiến lược và cầu tàu dành cho tàu hải quân.
Với các hành động này, Trung Quốc đã cố gắng chuyển đổi các bãi đá nhân tạo trở thành vùng đất và coi các bãi đá này là các hải đảo. Theo đó, Trung Quốccố gắng thiết lập khu vực lãnh hải rộng 12 hải lý bao quanh dựa trên cơ sở sự tạo lập của các đảo nhân tạo này.
Đây là mưu đồ trắng trợn của Trung Quốc nhằm lách qua các quy định của UNCLOS. Thứ nhất, UNCLOS chỉ công nhận vùng lãnh hải được thiết lập dựa trên đảo được hình thành tự nhiên, có vùng nước bao quanh và vẫn cao hơn mặt nước khi thủy triều lên . Trong khi đó, bên cạnh việc chiếm đóng bất hợp pháp, Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng của nhiều bãi đá tại Biển Đông và coi những bãi đá này là cơ sở pháp lý để thiết lập khu vực lãnh hải và áp đặt các hạn chế về quyền đi qua trong khu vực này. Thứ hai, trong vụ kiện khởi xướng bởi Philippines chống lại Trung Quốc vào năm 2016, hội đồng trọng tài đặc biệt đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc trong việc xác lập các vùng biển dựa trên các đảo nhân tạo như vậy. Trung Quốc, mặc dù vậy, không công nhận phán quyết trên và tiếp tục gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực.
Kiểm nghiệm việc thực thi luật mới
Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đã thông báo rằng một tàu chiến Hoa Kỳ đã tiến vào vùng biển gần với Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa, đang bị Trung Quốc chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp. Vào ngày 8 tháng 9 năm 2021, chỉ một tuần sau khi Luật Hàng hải mới có hiệu lực, tàu chiến Hoa Kỳ này đã tiến vào gần Đá Vành Khăn, trong khu vực lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Hạm đội 7 cũng đã bác bỏ thông tin về việc bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc xua đuổi. Mặc dù không phải là một thành viên của UNCLOS, Hoa Kỳ tuyên bố rằng trạng thái tự nhiên của Đá Vành Khăn không đủ điều kiện để làm cơ sở xác lập vùng lãnh hải và do đó, các hoạt động bồi lấp, lắp đặt và xây dựng của Trung Quốc trên thực thể này không làm thay đổi tính chất của nó theo luật pháp quốc tế.

Relevant topic: THE WTO DISPUTE BETWEEN THE US & CHINA

Go to
  • Expertise
  • People
  • Cases
  • Courses
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh