NGHỊ ĐỊNH 18 MỚI BAN HÀNH VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ XUẤT KHẨU, THUẾ NHẬP KHẨU
Việt Nam đang ngày càng thể hiện sự tích cực hội nhập giao thương với bạn bè quốc tế thông qua việc ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại (“FTAs”) và chính sách mở cửa thuế quan. Ngày 11 tháng 3 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2021/NĐ-CP (“Nghị định 18”) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP (“Nghị định 134”) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Dưới đây là tóm tắt một số thay đổi nổi bật của Nghị định 18.
1. Bổ sung quy định thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ. Theo quy định tại Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC, hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập tại chỗ bao gồm
(i) Sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm thuộc hợp đồng gia công theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP;
(ii) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp chế xuất hoặc doanh nghiệp trong khu phi thuế quan;
(iii) Hàng hóa mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam và được thương nhân nước ngoài chỉ định giao, nhận hàng hóa với doanh nghiệp khác tại Việt Nam.
Nghị định 18 mới quy định về chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ như sau:
– Biểu thuế cho hàng hóa xuất khẩu tại chỗ áp dụng theo Nghị định số 122/2016/NĐ-CP; và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP; và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.
– Biểu thuế cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ áp dụng theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP; và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP
– Bên cạnh đó, hàng hóa đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam, nhập khẩu tại chỗ từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước và đáp ứng các điều kiện khác để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt này.
2. Cụ thể và đơn giản hóa thủ tục miễn thuế
Trước đây, theo Nghị định 134, hồ sơ miễn thuế có nhiều giấy tờ bị yêu cầu phải cung cấp bản chứng thực sao y bản chính; hiện nay, những tài liệu này chỉ yêu cầu một bản chụp từ bản gốc.
Trước đây, đầu mối thực hiện thủ tục miễn thuế là Cơ quan hải quan, hiện nay đã quy định sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ tài chính. Sau đó, kết quả được gửi cho Cơ quan hải quan để thực hiện hoặc trực tiếp trả lời cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong trường hợp từ chối.
Nghị định 18 cũng bỏ quy định yêu cầu cung cấp công văn đề nghị cấp Sổ định mức miễn thuế của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Như vậy, Cơ quan, tổ chức này đã có thể tự đăng ký cấp Sổ định mức miễn thuế bằng cách cung cấp các văn bản chứng minh về định lượng, chủng loại hàng hóa miễn thuế (Điều ước quốc tế, quyết định miễn thuế của Thủ tướng Chính phủ); và chứng minh việc hoàn thành các yêu cầu đối với việc xuất nhập khẩu hàng hóa.
3. Sửa đổi, bổ sung chính sách thuế đối với sản phẩm gia công lại
Theo Nghị định 18 và Công văn 2687/TCHQ-TXNK do Tổng cục Hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu ban hành năm 2021:
– Trường hợp người nộp thuế nhận lại sản phẩm đã được gia công lại của mình để tiếp tục gia công hoặc xuất khẩu bán thành phẩm thì được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu giao gia công lại.
– Đối với trường hợp đơn vị gia công lại ở khu phi thuế quan hoặc tại nước ngoài thì hàng hóa nhập khẩu, bán thành phẩm giao gia công lại được miễn thuế xuất khẩu nhưng nếu sau đó nhập khẩu lại Việt Nam thì phải chịu thuế nhập khẩu.
4. Những chính sách thuế quan liên quan tới chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam theo quy định tại luật đầu tư
Các chính sách sau đây được áp dụng cho nhóm đối tượng: Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; dự án có quy mô lớn, sử dụng số lượng lao động lớn:
– Miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư cho các đối tượng;
– Miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong thời hạn 05 năm.
5. Sửa đổi, bổ sung chính sách miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác
Khoản 1 Điều 5 Nghị định 134 được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chính sách kêu gọi viện trợ vắc xin của nước ta trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cụ thể:
– Hàng hóa trong nước chưa sản xuất được cần thiết nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho dự án thuộc chương trình phục vụ đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ được miễn thuế nhập khẩu;
– Hàng hóa trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh được miễn thuế nhập khẩu.
Relevant topic: TAXATION ON INDIVIDUALS AND HOUSEHOLDS