banner

NGHỊ ĐỊNH 85 MỚI VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM |

NGHỊ ĐỊNH 85 MỚI VỀ HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ SÀN GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TẠI VIỆT NAM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử và sàn giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam (“Nghị định 85”). Nghị định 85 sẽ tác động đến hoạt động của thương nhân cả trong và ngoài nước trên các nền tảng thương mại điện tử. Quy định ra đời để kịp thời điều chỉnh sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, đồng thời thắt chặt các quy định thu thuế của Chính phủ đối với các bên cung ứng dịch vụ thương mại điện tử. Dưới đây là một số điểm mới đáng chú ý mà cá nhân, tổ chức có liên quan cần cập nhật.

1. Chủ thể của hoạt động thương mại điện tử
Điều 1.6 Nghị định 85 bổ sung doanh nghiệp logistics phục vụ hoạt động thương mại điện tử là trong những chủ thể thực hiện hoạt động thương mại điện tử. Theo tinh thần này, các doanh nghiệp vận chuyển như Giaohangtietkiem và Loship giờ đây cũng chính thức được coi như tham gia vào hoạt động thương mại điện tử khi vận chuyển hàng hoá online, chịu sự điều chỉnh của pháp luật có liên quan. Tổ chức cung cấp dịch vụ logistics sẽ có một phần trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin về xuất xứ hàng hoá khi giao nhận hàng.

2. Trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ của người bán

Theo Điều 1.12 Nghị định 85, thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng phải được người bán cung cấp chi tiết, cụ thể:

– Người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
– Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy, v.v.
– Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

3. Bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website thương mại điện tử
Điều 1.13 Nghị định 85 yêu cầu tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này.
Như vậy, từ thời điểm nghị định có hiệu lực, chính sách kiểm hàng khi người dùng mua sản phẩm bắt buộc phải được thể hiện rõ ràng ở trên website thương mại điện tử đó. Tuy nhiên chính sách kiểm hàng cụ thể như thế nào là do quy định của từng website thương mại điện tử.

4. Mạng xã hội trở thành nền tảng thương mại điện tử
Theo Điều 1.15 Nghị định 85, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm:
(i) Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
(ii) Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng.
(iii) Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
(iv) Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại các nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.

Như vậy, theo Nghị định 85, bên cạnh hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử thông qua website như trước đây, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, v.v. Người tham gia, trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí để thực hiện các hoạt động mua bán qua các nền tảng này, phải tuân thủ quy định pháp luật liên quan, thực hiện đăng ký kinh doanh, kê khai thuế,… theo quy định.

5. Quy định mới đối với thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử
Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải yêu cầu người bán cung cấp các thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định 52 khi đăng ký sử dụng dịch vụ, cụ thể:
(i) Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân.
(ii) Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân. và
(iii) Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác để tiếp nhận phản ánh về chất lượng hàng hóa, dịch vụ.
Với người bán nước ngoài, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh. Nghị định cũng quy định chi tiết về trách nhiệm của thương nhân về việc xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

6. Hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài
Đây là quy định hoàn toàn mới của Nghị định 85. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam và thương nhân vận hành thương mại điện tử theo hình thức B2C, cần phải tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Theo Nghị định 85, thương nhân, tổ chức nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử là các thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau:
(i) Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam;
(ii) Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; và
(iii) Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.

Trên đây là những điểm mới quan trọng của Nghị định 85, bắt đầu có hiệu lực từ đầu 2022. Thương mại điện tử tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh, một phần do tình hình đại dịch cũng như thay đổi nhu cầu mua sắm của khách hàng, Nghị định 85 là một trong những nỗ lực tạo điều kiện phát triển đồng thời tăng cường quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử từ phía Chính phủ. Việt Nam đã đặt chỉ tiêu đạt 55% dân số tham gia vào hoạt động mua sắm trực tuyến vào năm 2025. Nghị định 85 đặt ra mức bảo vệ cao hơn cho người tiêu dùng Việt Nam, nhưng cũng thắt chặt điều kiện hơn đối với các thương nhân nước ngoài đầu tư vào thương mại điện tử ở Việt Nam.

Relevant topic: THE UPRISING OF APP DEVELOPERS AGAINST MONOPOLISTIC DIGITAL PLATFORMS

Go to
  • Expertise
  • People
  • Cases
  • Courses
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh