NGHỊ QUYẾT MỚI VỀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ, HỘ KINH DOANH TRONG BỐI CẢNH DỊCH COVID-19
Ngày 09/9/2021, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (“Nghị quyết 105”).
Theo Nghị quyết 105, để (i) kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; và (ii) hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ổn định sản xuất, kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương thực hiện hiệu quả những mục tiêu sau:
1. Tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19;
2. Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn và điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19; và
3. Mục tiêu đến hết năm 2021:
a. Luỹ kế ít nhất khoảng 01 triệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh;
b. Đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; và
c. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất; hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động, v.v. cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Căn cứ theo những mục tiêu nêu trên và tuỳ vào tình hình thực tế, Chính phủ sẽ quyết định các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Thực hiện quyết liệt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19;
2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng;
3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; và
4. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Bài Viết Liên Quan: CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19