NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐIỆN ẢNH 2022
NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT ĐIỆN ẢNH 2022
Ngày 15 tháng 6 năm 2022, Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 đã được Quốc hội thông qua (“Luật Điện ảnh 2022”). Luật Điện ảnh 2022 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, với mục đích tạo ra một khuôn khổ pháp lý mang tính đột phá với tầm nhìn dài hạn nhằm phát triển điện ảnh thực sự trở thành ngành công nghiệp văn hóa và một ngành kinh tế tại Việt Nam.
Hai nội dung thay đổi được xem là quan trọng và cũng là bước tiến đáng kể của Luật Điện ảnh 2022 là quy định quản lý về phổ biến phim trên không gian mạng và sự phân cấp về cho địa phương tổ chức các hội đồng thẩm định và phân loại phim.
- Cung cấp kịch bản tóm tắt khi sử dụng bối cảnh tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11, sửa đổi bổ sung năm 2009 (“Luật Điện ảnh 2009”) quy định đối với việc hợp tác, liên doanh để sản xuất phim với tổ chức, cá nhân nước ngoài, việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép có “Kịch bản văn học bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài”.[1]
So sánh với quy định trên về hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Luật Điện ảnh 2022 cũng có sự linh hoạt hơn. Thay vì phải duyệt cả kịch bản phim thì nay theo Điều 13 Luật Điện ảnh 2022, nhà sản xuất phim chỉ cần nộp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Điều này phù hợp với thực tiễn, nhiều bộ phim nước ngoài chỉ thực hiện một số cảnh quay tại Việt Nam. Do đó, việc đề nghị cung cấp toàn bộ kịch bản chi tiết là không cần thiết. Yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt giúp cơ quan quản lý nhà nước bám sát được các yếu tố nhạy cảm, đồng thời tạo thuận lợi, khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam.
- Quản lý phim trên không gian mạng: kết hợp “tiền kiểm” với “hậu kiểm”
Trước đó, Luật Điện ảnh 2009 chưa điều chỉnh vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng. Luật Điện ảnh 2022 quy định quản lý phim trên mạng theo hướng kết hợp biện pháp “tiền kiểm” với “hậu kiểm” nhằm điều chỉnh vấn đề này phù hợp với xu hướng hiện tại. Theo Điều 21 Luật Điện ảnh, các biện pháp “tiền kiểm” bao gồm các quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, kết quả phân loại phim trước khi phổ biến. Biện pháp “hậu kiểm” bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Netflix và Áp dụng Luật Điện ảnh mới tại Việt Nam
Luật Điện ảnh 2022 đã đưa ra các quy định điều chỉnh về quản lý phim trên không gian mạng, Điều 21 yêu cầu chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng là doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức. Theo Khoản 10 Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2020, “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Netflix, Inc. có đủ điều kiện để xem là một doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam và Netflix là đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có thu tiền thuê bao định kỳ tại Việt Nam. Vì vậy, Netflix sẽ trở thành một chủ thể sẽ chịu sự điều chỉnh của luật này khi hoạt động tại Việt Nam. Khi phổ biến phim trên không gian mạng, Netflix chỉ được phổ biến phim có Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng, trừ trường hợp tự thực hiện phân loại phim và bảo đảm điều kiện để phổ biến phim đối với từng hình thức phổ biến phim[2]. Đồng thời, Netflix cũng cần phải tuân thủ các quy định tại Khoản 2, Điều 21 Luật Điện ảnh 2022:
- Không được phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim; trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 27 của Luật Điện ảnh 2022;
- Thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng;
- Thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem phim; để người sử dụng dịch vụ báo cáo về phim vi phạm quy định của Luật Điện ảnh 2022;
- Cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ;
- Gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại của Luật Điện ảnh 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
[1] Điều 23 Luật Điện ảnh 2009
[2] Khoản 2 Điều 21 Luật Điện ảnh 2022