QUY ĐỊNH VỀ VIỆC GHI NHÃN HÀNG HÓA TẠI VIỆT NAM
Giới thiệu
Hiện nay, việc ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 (“Nghị định 43”). Ngày 9/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 về nhãn hàng hóa (“Nghị định 111”). Một số sửa đổi đáng chú ý đối với hàng hóa xuất khẩu và xuất xứ hàng hóa cùng một số quy định khác. Nghị định 111 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/02/2022.
Các điểm nổi bật
Nghị định 111 mở rộng phạm vi điều chỉnh của Nghị định 43: So với quy định hiện tại, hàng hóa xuất khẩu sẽ phải tuân thủ quy định tại Nghị định 111 và do Nhà nước quản lý về nhãn hàng hóa . Nhãn của hàng hóa xuất khẩu phải tuân thủ theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu, trong đó các nội dung ghi trên nhãn hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước không bắt buộc phải ghi bằng tiếng Việt . Tuy vậy, nhãn hàng hóa xuất khẩu vẫn cần phải tuân thủ các quy định khác về trình bày nhãn hàng hóa quy định tại Nghị định 111 và Nghị định 43 . Chẳng hạn, nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh hoặc nội dung nhạy cảm về tranh chấp chủ quyền, an ninh – chính trị, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa, Nghị định 111 quy định tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam để lưu thông có nghĩa vụ phải ghi nhãn đối với các nội dung bắt buộc. Cụ thể, nhãn của hàng hóa nhập khẩu phải thể hiện các nội dung sau đây:
• Nhãn gốc phải thể hiện tên hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, tên/ tên viết tắt của đơn vị sản xuất hoặc đơn vị chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
• Các nội dung tên đầy đủ và địa chỉ của đơn vị này được phép thể hiện trong tài liệu kèm theo hàng hóa.
• Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sẽ có trách nhiệm bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt, đồng thời phải ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu đó trên nhãn hàng hóa trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
Về quy định ghi xuất xứ hàng hóa
Các tổ chức, cá nhân sẽ tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của minh, bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế liên quan. Nghị định 111 bổ sung quy định đối với trường hợp không xác định được xuất xứ, theo đó sẽ ghi nhận “nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.” Một hoặc sự kết một số cụm từ sau sẽ được dùng để thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa nêu trên: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện.
Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông tại thị trường Việt Nam, quy định phải ghi nhãn phụ có dòng chữ in đậm “Được sản xuất tại Việt Nam” đã được bãi bỏ vì Nghị định 111 đã có sự điều chỉnh đối với nhãn của hàng hóa xuất khẩu .
Với một số lĩnh vực cụ thể
Thêm vào đó, Nghị định 111 còn đưa ra một số sửa đổi, bổ sung áp dụng cho hàng hóa trong một số lĩnh vực cụ thể, chúng được nêu tại các Phụ lục kèm theo Nghị định. Ví dụ, trong đó có bao gồm vắc xin, sinh phẩm y tế, chế phẩm sinh học, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học. v.v. Ngoài ra, trang thiết bị y tế là máy móc, thiết bị, nhãn hàng hóa phải ghi nội dung về năm (hoặc tháng) sản xuất. Đối với thuốc và nguyên liệu làm thuốc, cũng có một số quy định về nội dung ghi nhãn đối với các loại hàng hóa là thuốc nhập khẩu hoặc công thức sản xuất thuốc đã được xác định là bí mật.