banner

QUYỀN CỦA CHỦ NỢ THEO CƠ CHẾ ISDS |

QUYỀN CỦA CHỦ NỢ THEO CƠ CHẾ ISDS

Các loại quyền nào của nhà đầu tư được bảo hộ theo cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà đầu tư – Nhà nước (“ ISDS ”) luôn là vấn đề gây tranh cãi. Phạm vi bảo hộ hiển nhiên này tuỳ thuộc vào định nghĩa về nhà đầu tư và khoản đầu tư được bảo hộ theo thỏa thuận bảo hộ đầu tư (“IPA”). Tuy nhiên, do tính bao trùm của điều khoản định nghĩa này trong các IPA, việc các hội đồng trọng tài ISDS đã đưa ra phán quyết thế nào về thẩm quyền của họ với từng khoản đầu tư cụ thể cũng là vấn đề quan trọng cần xem xét.

Với các tổ chức tài chính và các khoản đầu tư của họ (ví dụ: khoản tài chính cho dự án, các khoản vay dài hạn, v.v.), các tổ chức tài chính này ưu tiên sử dụng tòa án trong nước thay vì trọng tài ISDS để giải quyết tranh chấp vì trọng tài ISDS thường không sẵn lòng công nhận các khoản đầu tư này là khoản đầu tư được bảo hộ theo các IPA. Tuy nhiên, cơ chế ISDS cũng đã có những thay đổi đáng kể theo hướng thuận lợi hơn cho các tổ chức tài chính, và chúng ta có thể nhận thấy ​​những thay đổi này qua hai vụ việc ISDS gần đây trên cơ sở Hiệp định Hiến chương Năng lượng (“Hiệp định ECT”) - Yukos Capital vs Nga; Portigon AG vs Tây Ban Nha.

Yukos Capital vs Nga

: Các khoản vay liên công ty trong cùng nhóm công ty được bảo hộ theo các IPA

Vụ việc ISDS gần đây giữa Yukos Capital và Liên bang Nga là một trường hợp thú vị khi chủ nợ (Yukos Capital) đã bảo vệ thành công quyền chủ nợ của mình trên cơ sở sự can thiệp của Nhà nước (Nga) đã dẫn đến việc con nợ (Yukos) phá sản. Vụ việc này được biết đến như là “làn sóng khởi kiện thứ hai” chống lại Liên bang Nga, được khởi xướng bởi các cổ đông và người liên quan trước đây của Yukos. Theo đó, việc nắm bắt được một cách ngắn gọn về nội dung vụ việc Yukos thứ nhất cũng là điều cần thiết.

 Tóm tắt Vụ việc Yukos vs Nga

Yukos tiến hành khởi kiện trọng tài vào năm 2005, khi ba cổ đông trước đây của Yukos nộp Đơn khởi kiện chống lại Nga trên cơ sở Hiệp định ECT theo Quy tắc trọng tài UNCITRAL, vụ kiện này được điều phối bởi Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, Hà Lan. Năm 2014, hội đồng trọng tài đưa ra phán quyết rằng Nga đã vi phạm Điều 10 (Đối xử công bằng và thỏa đáng với nhà đầu tư) và Điều 13 (Trưng dụng bất hợp pháp) của Hiệp định ECT, trên cơ sở Nga đã tước quyền sở hữu các tài sản chính của Yukos, dẫn đến việc Yukos phá sản. Phán quyết bao gồm khoản bồi thường 50 tỷ USD, bẳng khoảng một nửa yêu cầu bồi thường của nguyên đơn, nhưng gấp 20 lần mức bồi thường cao nhất theo các phán quyết trọng tài trước đó. Hội đồng trọng tài đã đưa ra nhận định rằng Nga đã trưng dụng bất hợp pháp các tài sản của Yukos bằng một loạt các hành vi bất hợp pháp bao gồm các biện pháp thuế, gây nên việc tước quyền sở hữu gián tiếp hoặc tước quyền sở hữu “dần dần”.

Nga tiến hành thủ tục yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án Quận La Haye, và vào năm 2016, Tòa án Quận La Haye đã hủy phán quyết trọng tài. Tòa án chấp nhận lập luận của Nga rằng hội đồng trọng tài đã sai lầm khi đưa ra phán quyết về việc họ có thẩm quyền dựa trên cơ sở các quy định của Hiệp định ECT.

Các cổ đông trước đây của Yukos đã kháng cáo bản án sơ thẩm, và vào năm 2020, Tòa án Phúc thẩm La Haye đã hủy bản án của Tòa án Quận và theo đó khôi phục phán quyết trọng tài.

Nga đã kháng cáo Quyết định của Tòa án Phúc thẩm La Haye lên Tòa án Tối cao Hà Lan. Vào tháng 4 năm 2021, Chánh án Tòa án Tối cao đã khuyến nghị Tòa án Tối cao bác bỏ kháng cáo của Nga và công nhận phán quyết trọng tài của vụ việc Yukos. Do đây là khuyến nghị không có tính ràng buộc pháp lý, Tòa án Tối cao không nhất thiết phải áp dụng khuyến nghị ​​của Chánh án. Tòa án Tối cao dự kiến ​​sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sớm nhất là vào tháng 9 năm nay.

Vụ việc Yukos Capital vs Nga: Vụ kiện Trọng tài Thứ hai

Yukos Capital là một công ty con và phân nhánh tài chính của Tập đoàn Yukos. Yukos Capital đã cấp hai khoản vay cho Yukos Oil – một khoản vay trị giá khoảng 3 tỷ USD và khoản còn lại trị giá 350 triệu USD. Như đã giải thích trước đó, Yukos đã bị phá sản do một loạt các hành vi bất hợp pháp của chính phủ Nga.

Vào năm 2013, Yukos Capital tiến hành thủ tục khởi kiện trọng tài chống lại Nga theo Hiệp định ECT dựa trên Quy tắc trọng tài UNCITRAL, được điều phối bởi Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, Hà Lan.

Vào tháng 7 năm 2021, hội đồng trọng tài đã đưa ra phán quyết rằng Nga đã trưng dụng bất hợp pháp khoản vay mà Yukos Capital đã cấp cho công ty mẹ cũ của mình, và từ chối công lý tại tòa án Nga. Hội đồng trọng tài cũng nhận định rằng các biện pháp mà Liên bang Nga thực hiện, cụ thể là việc bắt đầu thủ tục tố tụng hình sự, có mục đích nhằm đe dọa Yukos Capital và các luật sư; và việc trưng dụng và gây áp lực lên các luật sư là một phần của một kế hoạch lớn hơn nhằm tước quyền sở hữu các tài sản của Tập đoàn Yukos. Phán quyết có lợi cho Yukos Capital có giá trị được biết có giá trị khoảng 5 tỷ USD.

Portigon AG vs Tây Ban Nha

: Các bên cho vay tài chính dự án được bảo vệ theo IPA

Vụ việc này được biết đến như là vụ kiện trọng tài ISDS đầu tiên, trong đó hội đồng trọng tài nhận thấy rằng khoản cung cấp tài chính dự án cũng là một khoản đầu tư được bảo hộ theo các IPA và do đó một tổ chức tài chính có thể sử dụng cơ chế bảo hộ đầu tư theo các IPA đối với khoản tài chính dự án. Cũng giống như hai vụ việc trọng tài Yukos, vụ việc này liên quan đến tranh chấp giữa một nhà đầu tư Châu Âu và một Quốc gia Châu Âu trên cơ sở Hiệp định ECT.

Đầu những năm 2000, Tây Ban Nha thiết lập một cơ chế pháp lý về năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư nước ngoài. Cơ chế này, bao gồm việc cung cấp các khoản trợ giá điện dài hạn và việc đảm bảo thực hiện cho các dự án năng lượng tái tạo, được thiết kế để thu hút cả vốn góp và vốn vay. Portigon AG, một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Đức, đã cung cấp hàng trăm triệu euro để tài trợ cho một số dự án năng lượng tái tạo ở Tây Ban Nha. Từ năm 2013, Tây Ban Nha bắt đầu thực hiện những thay đổi bất lợi với cơ chế sau khi lượng tiền điện thu được bị giảm đáng kể, điều này sau đó có tác động bất lợi đến các dự án mà Portigon AG đang cung cấp tài chính. Portigon AG đã tiến hành khởi kiện theo cơ chế ISDS chống lại Tây Ban Nha, nhưng liệu khoản đầu tư của công ty, khoản cung cấp tài chính dự án, có được coi là khoản đầu tư được bảo hộ hay không là một vấn đề mấu chốt do trước đó chưa có vụ việc ISDS nào công nhận khoản cung cấp tài chính dự án là khoản đầu tư được bảo hộ.

Vào tháng 8 năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử trọng tài ISDS, hội đồng trọng tài trong vụ việc Portigon vs Tây Ban Nha đã đưa ra phán quyết rằng một tổ chức tài chính có thể sử dụng cơ chế bảo hộ của một hiệp định đầu tư với khoản cung cấp tài chính dự án vì khoản cung cấp tài chính dự án, dưới dạng khoản vay dài hạn và giao dịch hoán đổi, là một khoản đầu tư được bảo hộ trên cơ sở Hiệp định ECT.

Các cân nhắc quan trọng mà các tổ chức tài chính cần xem xét đến

Do phạm vi bảo hộ đầu tư được hy vọng là sẽ mở rộng đáng kể đối với các tổ chức tài chính và khoản cung cấp tài chính của họ, các tổ chức tài chính nên xem xét cẩn trọng về các cơ chế bảo hộ đầu tư có thể được áp dụng trước khi quyết định đầu tư vào một số quốc gia nhất định. Những cân nhắc này bao gồm việc đánh giá liệu có đang tồn tại một hoặc nhiều IPA giữa quốc gia dự định đầu tư và quốc gia của nhà đầu tư, và liệu khái niệm về khoản đầu tư được bảo hộ theo các IPA tương ứng có bảo hộ cho khoản cung cấp tài chính dự định hay không. Nhà đầu tư cũng nên cân nhắc lựa chọn ‘quốc tịch’ hợp lý nhất cho khoản đầu tư để có thể nhận được sự bảo hộ đầu tư tối ưu nhất.

Đội ngũ luật sư trọng tài quốc tế của VCI Legal cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp cũng như dịch vụ tư vấn đầu tư. Vui lòng liên hệ với văn phòng của chúng tôi nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác.

Relevant topic: VCI LEGAL HELPED AN INVESTOR TO SUCCESSFULLY REACH AN AGREEMENT ON ITS INVESTMENT DISPUTE (ISDS MECHANISM)

Go to
  • Expertise
  • People
  • Cases
  • Courses