Tác động của COP26 & CBAM đến các nhà sản xuất Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang EU
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26
Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc ngày 13/11/2021 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, với việc tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris được thông qua tại COP 21 tại Paris vào ngày 12/12/2015.
Trong hội nghị, Việt Nam và nhiều đối tác thương mại của Việt Nam (Mỹ, EU,…) có những cam kết hành động mạnh mẽ hơn để thích ứng với biến đổi khí hậu sau hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Việt Nam cam kết nâng tỷ lệ năng lượng sạch trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp lên ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045, đồng thời từng bước loại bỏ sản xuất điện bằng than và cam kết khí thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhiều quốc gia EU và Mỹ cũng đưa ra những cam kết tương tự. Do đó, các nguồn tài trợ quốc tế cho các hoạt động kinh tế có phát thải cao sẽ giảm mạnh, các thị trường sẽ ngày càng yêu cầu cao hơn về sản xuất và sản phẩm có trách nhiệm với môi trường.
Việt Nam đang được biết đến như một công xưởng của thế giới. Nhưng với những cam kết tại COP26, Việt Nam phải trở thành một “công xưởng xanh”, một trung tâm sản xuất xanh của thế giới. Để trở thành trung tâm sản xuất xanh gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0, thách thức cho một nước đang phát triển như Việt Nam là không nhỏ.
Khó khăn trước hết là công nghệ để giảm và tái chế carbon, song công nghệ cho tái sử dụng và loại bỏ carbon còn thiếu. Các công nghệ thu và giữ carbon hiện nay tiêu tốn nhiều năng lượng, tiêu tốn nước. Việc nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ này đòi hỏi phải có quỹ cho nghiên cứu và phát triển, trợ cấp tài chính để bù đắp cho rủi ro của những công nghệ chưa chứng minh, các ưu đãi bằng thuế, trợ cấp đầu tư bằng vốn trực tiếp… Việc chuyển đổi xanh và phát triển các năng lượng sạch đòi hỏi phải được tiến hành không chỉ ở một doanh nghiệp hay một khâu sản xuất, mà trong toàn chuỗi cung ứng. Điều này đặc biệt rõ ở một số ngành chế biến chế tạo như sản xuất thép và xi măng, công nghiệp thông tin và truyền thông. Trong ngành xây dựng cũng thấy rõ thách thức này.
Để tiến lên một nấc thang cao hơn, việc tạo ra các sản phẩm xanh là xu hướng tiêu dùng mới không thể đảo ngược. Châu Âu đã khởi xướng một số cơ chế thương mại mới như “Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon” (CBAM) nhằm đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu có khả năng gây ô nhiễm như thép, nhôm và phân bón.
Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế của Việt Nam hiện nay vẫn đang phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo – như năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch – và phát thải lớn – như sản xuất điện năng từ than, sản xuất công nghiệp chế biến, phương thức canh tác nông nghiệp sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu,.. Nên cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam có mức độ thâm dụng tài nguyên cao và để lại các ảnh hưởng tới môi trường nước, không khí, đất, rừng. Do đó, nếu không nhanh chóng chuyển dịch công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường… các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng khó bán trên nhiều thị trường tiên tiến.
Sản xuất xanh là xu hướng mới trong tương lai và được đưa vào các chương trình đàm phán, hiệp định thương mại. Những quốc gia như Việt Nam nếu không chuyển đổi kịp thời sẽ gặp bất lợi khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Nhưng nếu Việt Nam đề cao trách nhiệm xã hội, môi trường để cùng giải quyết vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính thì sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, thúc đẩy đầu tư, thương mại hàng hóa sản phẩm, dịch vụ xanh.
Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM)
CBAM được chính thức đề xuất lần đầu tiên vào ngày 11 tháng 12 năm 2019 trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu và đã được Nghị viện châu Âu (EP) phê duyệt. Ngày 14/7/2021, Ủy ban Châu Âu đã trình bày đề xuất lập pháp về CBAM. Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ các-bon cao, chẳng hạn như sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện, sẽ phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của cơ chế CBAM.
CBAM sẽ áp dụng đối với việc phát trải trực tiếp khí CO2 ra môi trường trong quá trình sản xuất các sản phẩm trên. Để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, các sản phẩm nhập khẩu sẽ phải mua giấy phép ô nhiễm từ Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS) căn cứ vào lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất. Ngoài mục tiêu giảm thiểu khí thải carbon trên toàn cầu, việc EU dự định áp thuế biên giới carbon là do các quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU trực tiếp dẫn đến việc biến đổi khí hậu hiện nay nhưng chưa có chính sách đủ để giảm thiểu khí thải carbon và các hàng hóa xuất khẩu của nước này cũng chưa chịu mức thuế carbon công bằng như hàng hóa nội địa của EU. Tuy nhiên, những quốc gia xuất khẩu hàng hóa vào EU mà có những chính sách mạnh mẽ nhằm giảm thiểu khí thải carbon sẽ được miễn trừ thuế biên giới carbon.
Cơ chế sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2023 với thời gian chuyển đổi là 3 năm đến ngày 1 tháng 1 năm 2026. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu của họ mà không phải trả một khoản điều chỉnh phí nào. Vào cuối giai đoạn chuyển đổi của Cơ chế (năm 2025), Ủy ban Châu Âu sẽ đánh giá CBAM đang hoạt động như thế nào và có thể mở rộng phạm vi hoạt động của mình sang nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn – bao gồm cả chuỗi giá trị và có thể bao gồm “phát thải gián tiếp” (ví dụ như khí thải carbon từ việc sử dụng điện để sản xuất hàng hóa). Sau khi được vận hành chính thức từ 1/1/2026, nhà nhập khẩu sẽ phải mua 1 chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn Carbon Dioxide tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU. Vi phạm các quy định của cơ chế CBAM sẽ bị xử phạt tương tự như trong hệ thống ETS của EU.
Đối với Việt Nam, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/ND-CP về “Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn” nhằm giảm khoảng 564 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Nghị định này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu chuyển đổi công nghệ để giảm thải khí carbon trong quá trình sản xuất. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU sẽ chịu mức thuế biên giới carbon thấp hơn hoặc không bị áp dụng thuế biên giới carbon khi các tiêu chuẩn về xả thải carbon trong quá trình sản xuất tuân theo tiêu chuẩn của EU.