THÔNG TƯ 14| QUY ĐỊNH MỚI VỀ CHÍNH SÁCH TÁI CƠ CẤU NỢ VÀ GIẢM LÃI SUẤT VAY
Trước đây, VCI Legal đã có bài viết phân tích về điểm mới của Thông tư 03/2021/TT-NHNN (“Thông tư 03”) với tiêu đề: “Tái cơ cấu nợ và giảm lãi suất cho người vay chịu ảnh hưởng bởi Covid 19“. Mới đây, ngày 07 tháng 9 năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN (“Thông tư 14”), lần thứ hai sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 01/2020/TT-NHNN (“Thông tư 01”) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điểm mới nổi bật của Thông tư 14 được tóm tắt dưới đây.
Thông tư 14 quy định phạm vi mới cho khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí.
– Áp dụng cho các khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 (theo Thông tư 03 trước đây, thời hạn áp dụng cho các khoản nợ này chỉ được tính đến trước ngày 10/6/2020). Quy định mới này phù hợp với thực tiễn phòng chống dịch tại Việt Nam với tác động của làn sóng COVID-19 thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay.
– Áp dụng cho các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022. Như vậy, đối với các khoản nợ mà khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ được kéo dài thêm 6 tháng (đến ngày 30/6/2022 thay vì đến ngày 31/12/2021 như quy định tại Thông tư 03).
Chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước đưa ra qua Thông tư 14 là đúng đắn và hợp lý do nhiều người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính do tình hình dịch bênh COVID-19 phức tạp cùng với chỉ thị giãn cách xã hội kéo dài . Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận khó khăn mà phía ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng có thể gặp phải, đó là tình trạng nợ xấu gia tăng, nhiều khách hàng không có khả năng trả nợ, trong khi nguồn vốn cũng như quỹ dự phòng của ngân hàng có giới hạn.