banner

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIÊN BIG 4 TRONG VỤ SCB  |

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIÊN BIG 4 TRONG VỤ SCB 

Từ 2012 đến 2020, ba hãng kiểm toán lớn thuộc nhóm “Big 4” danh tiếng hàng đầu thế giới, gồm Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam), Deloitte Việt Nam và KPMG Việt Nam được SCB thuê làm đơn vị kiểm toán độc lập hằng năm. 

Cụ thể, EY Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho ngân hàng này trong 5 năm, từ 2012 đến 2016. Sau đó, SCB đổi công ty kiểm toán sang Deloitte Việt Nam trong 3 năm, 2017-2019. Năm 2020, KPMG Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho ngân hàng này. 

Trong một thập kỷ, ba hãng kiểm toán thuộc nhóm “Big 4” đều đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính của SCB và không cho thấy những điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng. Tại thời điểm tháng 6/2021 – đợt kiểm toán soát xét gần nhất trước vụ án, ngân hàng này có lợi nhuận trước thuế 6 tháng hơn 450 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.000 tỷ. 

Nhưng khi vụ việc “vỡ lở”, SCB bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diệnkiểm soát đặc biệttừ tháng 10/2022. Kết quả kiểm toán lại cho thấy tại thời điểm 30/9/2022, ngân hàng lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu khoảng 444.000 tỷ đồng. Hội đồng xét xử vụ án đã đề nghị Bộ Công an làm rõ trách nhiệm của 3 hãng “Big 4” từng kiểm toán tại SCB và xử lý nếu đủ căn cứ. 

 

KPMG Việt Nam, EY Việt Nam và Deloitte Việt Nam là các công ty kiểm toán Big 4 đã thực hiện làm đơn vị kiểm toán độc lập của SCB từ 2012 đến 2020 và không cho thấy những điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng.

 

I. Ý KIẾN KIỂM TOÁN CHẤP NHẬN TOÀN PHẦN CỦA BIG 4 VÀ TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA CÁC CÔNG TY KIỂM TOÁN VÀ KIỂM TOÁN VIÊN 

Theo Thông tư 214/2012/TT-BTC của Bộ Tài Chính về ban hành chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (Vietnamese Standard on Audit – VSA). Sau khi thực hiện xong các thủ tục kiểm toán, kiểm toán viên sẽ phải lập báo cáo kiểm toán theo đúng các hướng dẫn và mẫu báo cáo của chuẩn mực kiểm toán, thay vì theo kiểu tự do. Các chuẩn mực kiểm toán liên quan gồm chuẩn mực số 700, 705, 706, 710, 720, 800, 805, 810, 1000, 930, 920. 

Đối với kiểm toán báo cáo tài chính (loại kiểm toán phổ biến), thì báo cáo kiểm toán sẽ có 4 loại như sau: 

1.Ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần: Là ý kiến được đưa ra khi kiểm toán viên kết luận rằng báo cáo tài chính đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng. 

2.Ý kiến kiểm toán chấp nhận từng phần: Là ý kiến này được đưa ra trong trường hợp dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính; hoặc kiểm toán viên bị giới hạn công tác kiểm toán, không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán, nhưng kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu nhưng không lan tỏa đối với báo cáo tài chính. 

3. Ý kiến không chấp nhận (hoặc ý kiến trái ngược): Ý kiến trái ngược được đưa ra trong trường hợp khi dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là các sai sót, xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, có ảnh hưởng trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính. Loại báo cáo này được phát hành khi phạm vi kiểm toán bị giới hạn nghiêm trọng hoặc các tài liệu quá mập mờ, không rõ ràng khiến kiểm toán viên không thể tiến hành kiểm toán theo chương trình đã định.

4. Ý kiến từ chối (hoặc không thể đưa ra ý kiến): Ý kiến từ chối được đưa ra trong trường hợp khi kiểm toán viên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán và kiểm toán viên kết luận rằng những ảnh hưởng có thể có của các sai sót chưa được phát hiện (nếu có) có thể là trọng yếu và lan tỏa đối với báo cáo tài chính.

 

II. KHI NÀO KIỂM TOÁN VIÊN ĐƯỢC ĐƯA RA Ý KIẾN CHẤP NHẬN TOÀN PHẦN TRONG BÁO CÁO KIỂM TOÁN? 

1. Ý kiến kiểm toán là ý kiến chấp nhận toàn phần (unqualified opinion) thì có nghĩa là báo cáo tài chính chắn chắn sẽ không có sai sót trọng yếu? 

(Mục 05 của Chuẩn mực VSA 200) 

“Để kiểm toán viên có cơ sở để đưa ra ý kiến kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán Việt Nam yêu cầu kiểm toán viên phải đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc do nhầm lẫn hay không. Sự đảm bảo hợp lý là sự đảm bảo ở mức độ cao và chỉ đạt được khi kiểm toán viên đã thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp nhằm làm giảm rủi ro kiểm toán (là rủi ro do kiểm toán viên đưa ra ý kiến không phù hợp khi báo cáo tài chính còn có những sai sót trọng yếu) tới một mức độ thấp có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sự đảm bảo hợp lý không phải là đảm bảo tuyệt đối, do luôn tồn tại những hạn chế vốn có của cuộc kiểm toán làm cho hầu hết bằng chứng kiểm toán mà kiểm toán viên dựa vào để đưa ra kết luận và ý kiến kiểm toán đều mang tính thuyết phục hơn là khẳng định (xem hướng dẫn tại đoạn  A28 – A52 Chuẩn mực này)” 

Theo đó, trong mọi trường hợp không thể khẳng định là báo cáo tài chính chắc chắn sẽ không thể có sai sót trọng yếu được, tuy nhiên, nếu có ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần thì khả năng có sai sót trọng yếu sẽ ở mức rất thấp. 

2. Sai sót trọng yếu của báo cáo tài chính được hiểu như thế nào? 

(Mục 06 của Chuẩn mực VSA 200) 

“Khái niệm về tính trọng yếu được kiểm toán viên sử dụng trong cả giai đoạn lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán và trong việc đánh giá ảnh hưởng của những sai sót đã phát hiện trong quá trình kiểm toán, kể cả những sai sót chưa được điều chỉnh (nếu có) trong báo cáo tài chính (xem các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 320 và số 450). Nhìn chung, các sai sót, bao gồm cả việc bỏ sót, được coi là trọng yếu khi xét riêng lẻ hay tổng hợp lại, sai sót đó có thể gây ảnh hưởng đến quyết định của người sử dụng báo cáo tài chính. Sự xét đoán về mức trọng yếu cần được xem xét trong hoàn cảnh cụ thể, trên cơ sở kiểm toán viên hiểu rõ về những thông tin tài chính mà người sử dụng báo cáo tài chính quan tâm, quy mô hoặc bản chất của sai sót, hoặc kết hợp cả hai yếu tố đó. Trách nhiệm của kiểm toán viên là đưa ra ý kiến đối với tổng thể báo cáo tài chính, do đó, kiểm toán viên không có trách nhiệm phát hiện các sai sót không mang tính trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính.” 

 

Không thể khẳng định là báo cáo tài chính chắc chắn sẽ không thể có sai sót trọng yếu được, tuy nhiên, nếu có ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần thì khả năng có sai sót trọng yếu sẽ ở mức rất thấp.

 

III. KHI NÀO KIỂM TOÁN VIÊN KHÔNG ĐƯỢC ĐƯA RA Ý KIẾN CHẤP NHẬN TOÀN PHẦN TRONG BÁO CÁO KIỂM TOÁN? 

Theo chuẩn mực kiểm toán số 705, kiểm toán viên không được đưa ra ý kiến chấp nhận toán phần khi: 

(a) Dựa trên bằng chứng kiểm toán đã thu thập được, kiểm toán viên kết luận là tổng thể báo cáo tài chính vẫn còn sai sót trọng yếu; hoặc 

(b) Kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận rằng tổng thể báo cáo tài chính không còn sai sót trọng yếu 

 

IV. AI CÓ QUYỀN ĐÁNH GIÁ CÁC BÁO CÁO KIỂM TOÁN LÀ ĐÚNG HAY SAI?

Người nắm giữ số phận của các công ty kiểm toán và kiểm toán viên trong vụ án của Ngân hàng SCB lúc này là Bộ Tài Chính. Để xác định các báo cáo kiểm toán của các công ty kiểm toán Big 4 là đúng hay sai và xử lý trách nhiệm của các công ty kiểm toán và kiểm toán viên liên quan, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định Bộ Tài Chính. Bộ Tài Chính sẽ thực hiện việc kiểm tra và đánh giá các báo cáo kiểm toán có ban hành đúng với Tiêu Chuẩn Kiểm Toán Việt Nam hay không. 

Trong trường hợp Bộ Tài Chính kết luận không có cơ sở để ban hành ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần thì nhiều khả năng kiểm toán viên và người đại diện pháp luật các công ty kiểm toán Big 4 phải chịu trách nhiệm tùy theo mức độ vi phạm. Các công ty kiểm toán và kiểm toán viên có thể bị đình chỉ tư cách kiểm toán, bị xử phạt hành chính thậm chí có thể bị khởi tố hình sự. 

Trong vụ án Trịnh Văn Quyết, các kiểm toán viên thuộc Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội đã bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do đưa ra ý kiến kiểm toán chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính của CTCP Xây dựng Faros. 

Tháng 11/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã trưng cầu Giám định viên Bộ Tài chính giám định đối với việc ban hành các báo cáo kiểm toán nêu trên. Ngày 22/9/2023, Giám định viên Bộ Tài chính đã ban hành Kết luận giám định, xác định: “Hồ sơ kiểm toán chưa cung cấp đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở để kiểm toán viên đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần tại các báo cáo kiểm toán”. 

Từ đó, Nguyễn Ngọc Tỉnh – Tổng Giám đốc, các kiểm toán viên Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Văn Tuấn của Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội đều bị khởi tố hình sự về tội “Lừa đảo chiểm đoạt tài sản” với tư cách đồng phạm, đồng thời Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội bị đình chỉ tư cách kiểm toán.

 

VCI Legal là một trong những công ty luật hàng đầu tại Việt Nam với văn phòng tại 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hỗ trợ các doanh nghiệp khám phá cơ hội kinh doanh tại Việt Nam với chuyên môn về Tài chính và Ngân hàng, M&A, Doanh nghiệp, Thị trường vốn, Bảo hiểm, Đầu tư trực tiếp nước ngoài, Giao dịch xuyên biên giới, Cạnh tranh, Giải quyết tranh chấp, Năng lượng, Hạ tầng, Quản lý Quyền sở hữu trí tuệ và Bất động sản. 

 

Go to
  • Expertise
  • People
  • Cases
  • Courses