banner

Trụ cột 2 của Thoả thuận hai trụ cột về thuế doanh nghiệp toàn cầu |

Trụ cột 2 của Thoả thuận hai trụ cột về thuế doanh nghiệp toàn cầu

Vào ngày 8 tháng 10 năm 2021, 136 trong số 140 quốc gia của Khuôn khổ bao trùm của OECD/ G20 (“IF”) về Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (“BEPS”) thông báo rằng họ đã đồng ý với Thoả thuận hai trụ cột về thuế doanh nghiệp toàn cầu.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích Trụ cột 2. Để tìm hiểu thêm về Trụ cột 1, vui lòng tham khảo bài viết trước đây của chúng tôi tại đường dẫn sau: https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g = ccb774d3-5ecd-4c5f-a69f-051bed43e19c

Để hỗ trợ việc thực hiện Trụ cột 2, vào ngày 20 tháng 12 năm 2021, OECD đã công bố Quy tắc mẫu của Trụ cột 2, xác định phạm vi và đặt ra cơ chế cho Quy tắc Chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (“GloBE”) theo Trụ cột 2, quy tắc mà sẽ đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu ở mức 15%. Mức thuế tối thiểu sẽ áp dụng cho các Tập đoàn Đa quốc gia (“MNEs”) có doanh thu trên 750 triệu EUR.

Quy tắc GloBE là gì?

Quy tắc GloBE được thiết kế để đảm bảo các MNE trả mức thuế tối thiểu đối với thu nhập phát sinh tại mỗi khu vực tài phán mà họ hoạt động. Các quy tắc tạo ra “thuế bổ sung” đối với lợi nhuận ở bất kỳ khu vực tài phán nào bất cứ khi nào thuế suất áp dụng (“ETR”), được xác định trên cơ sở tài phán, thấp hơn mức tối thiểu 15%.

Quy tắc GlobBE bao gồm hai quy tắc nội địa lồng vào nhau, đó là:

1) Quy tắc bao trùm thu nhập (“IIR”): Quy tắc này đánh thuế bổ sung đối với công ty mẹ liên quan đến thu nhập của công ty con (“CE”) chịu thuế ở dưới mức Thuế tối thiểu toàn cầu; và

2) Quy tắc đối với khoản chịu thuế dưới mức tối thiểu (“UTPR”): Quy tắc này từ chối các khoản giảm trừ trừ hoặc yêu cầu điều chỉnh tương ứng tới mức thu nhập chịu thuế ở dưới mức Thuế tối thiểu toán cầu của CE không bị đánh thuế theo Quy tắc IIR.

Quy tắc GloBE sẽ có trạng thái của một cách tiếp cận chung. Điều đó có nghĩa là thành viên của IF không bắt buộc phải áp dụng Quy tắc GloBE, nhưng họ phải chấp nhận việc áp dụng Quy tắc GloBE bởi các thành viên khác của IF. Các thành viên của IF lựa chọn áp dụng Quy tắc GloBE phải thực thi sao cho kết quả của việc áp dụng phù hợp với quy định của Trụ cột 2.

Nội dung chính của Quy tắc mẫu của Trụ cột 2 là gì?

Quy tắc mẫu được chia thành 10 chương đề cập đến phạm vi của các quy tắc, các điều khoản đánh thuế chung, các quy tắc tính toán thu nhập (hoặc tổn thất) trên cơ sở tài phán, các quy tắc xác định thuế tính cho thu nhập đó, các quy tắc tính toán để xác định ETR của các khu vực tài phán mà MNE hoạt động và để xác định thuế bổ sung đối với khu vực tài phán có thuế thấp, v.v.

Quy tắc mẫu cũng đề cập đến việc xử lý các vụ mua lại và thanh lý các công ty thành viên và bao gồm các quy tắc cụ thể để xử lý các cơ mô hình holding và các chế độ trung lập về thuế.

Cuối cùng, Quy tắc mẫu giải quyết các khía cạnh liên quan đến hành chính, bao gồm các yêu cầu khai báo thông tin và cung cấp các quy tắc chuyển tiếp cho các MNE là đối tượng chịu Thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy nhiên, Quy tắc mẫu được thiết kế để phù hợp với nhiều loại hệ thống thuế và cấu trúc kinh doanh, do đó nhiều quy định cụ thể có thể không áp dụng đối với tất cả các khu vực tài phán hoặc các MNE trong phạm vi.

Phạm vi áp dụng của Quy tắc GloBE là gì?

Về phạm vi áp dụng, Quy tắc GloBE áp dụng cho các CE là thành viên của nhóm MNE có doanh thu hàng năm từ 750 triệu EUR trở lên trong Báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty mẹ tối cao (“UPE”) trong ít nhất 2 trong 4 năm ngay trước năm kiểm tra. Các tổ chức chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận, quỹ hưu trí hoặc quỹ đầu tư là UPE của nhóm MNE là những tổ chức bị loại trừ không áp dụng Quy tắc GloBE, nhưng việc loại trừ này không ảnh hưởng đến các nhóm MNE do các tổ chức đó sở hữu, các nhóm MNE này sẽ vẫn thuộc phạm vi áp dụng của Quy tắc GloBE nếu doanh thu hợp nhất của chúng đạt tới ngưỡng theo quy định của Quy tắc GloBE.

Nhóm MNE là nhóm thường được hợp nhất cho các mục đích kế toán tài chính, bao gồm ít nhất một pháp nhân hoặc một cơ sở thường trú không nằm trong khu vực tài phán nơi có UPE. Một pháp nhân có thể là một nhóm MNE nếu nó có một hoặc nhiều cơ sở thường trú ở các khu vực tài phán khác và không thuộc nhóm MNE khác.

CE là bất kỳ pháp nhân nào trong nhóm MNE hoặc cơ sở thường trú của một pháp nhân trong nhóm MNE. Các cơ sở thường trú được coi là các thực thể riêng biệt vì mục đích của Quy tắc GloBE, do đó một công ty có 2 cơ sở thường trú sẽ được coi là 3 CE riêng biệt.

Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu: Liệu có tạo ra “sân chơi bình đẳng”  với tất cả quốc gia? - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Làm thế nào để xác định nghĩa vụ thuế bổ sung của MNE?

Về cơ chế để xác định nghĩa vụ thuế bổ sung phải nộp của MNE, Quy tắc mẫu thiết lập một quy trình gồm năm bước:

1) Bước 1 – CE trong phạm vi: Xác định các nhóm MNE trong phạm vi và vị trí của mỗi CE trong nhóm.

2) Bước 2 – Thu nhập hoặc lỗ GloBE: Xác định thu nhập của mỗi CE.

3) Bước 3 – Các loại thuế được áp dụng: Xác định các loại thuế được áp dụng trước khi áp dụng Thuế thu nhập tối thiểu đối với thu nhập của một CE.

4) Bước 4 – ETR và thuế bổ sung: Tính toán ETR của tất cả các CE nằm trong cùng một khu vực tài phán và xác định kết quả là số thuế bổ sung.

Số tiền thuế được tính ở Bước 3 được chia cho thu nhập GloBE được tính ở Bước 2 để xác định ETR cho từng khu vực tài phán. Mỗi pháp nhân được coi là không quốc tịch được coi là một CE duy nhất nằm trong một khu vực tài phán riêng biệt.

Khi ETR thấp hơn thuế suất tối thiểu 15%, thuế suất thuế bổ sung tại khu vực tài phán phải được tính toán. Thuế suất này được tính bằng cách trừ ETR khỏi thuế suất tối thiểu (ví dụ: nếu ETR là 10%, thuế suất thuế bổ sung bằng 15% – 10% = 5%).

Thuế suất thuế bổ sung được áp dụng cho thu nhập GloBE tại khu vực tài phán sau khi tính đến việc loại trừ thu nhập dựa trên thực tế. Sau đó, số tiền thuế bổ sung này sẽ được giảm bớt bởi bất kỳ khoản thuế tối thiểu nào đủ điều kiện trong nước.

Loại trừ de minimis sẽ được áp dụng để khiến cho số thuế bổ sung bằng 0 khi doanh thu và lợi nhuận trung bình tại một khu vực tài phán trong năm hiện tại và 2 năm trước đó lần lượt dưới 10 triệu EUR và 1 triệu EUR.

5) Bước 5 – IIR và UTPR: Áp đặt thuế bổ sung theo IIR hoặc UTPR theo trình tự quy tắc đã thỏa thuận.

Thuế bổ sung trước hết được áp dụng theo IIR đối với công ty mẹ có quyền sở hữu đối với CE được đánh thuế thấp.

Nếu có bất kỳ số tiền thuế bổ sung nào còn lại nào vẫn chưa được phân bổ sau khi áp dụng IIR, cơ chế UTPR sẽ có hiệu lực.

Trụ cột 2 sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?

Việc áp dụng Trụ cột 2 được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều thách thức đối với Việt Nam.

Trước hết, khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới này. Trên thực tế, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu thông qua việc áp dụng thuế suất ưu đãi, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (“thuế TNDN”).

Khi Trụ cột 2 được áp dụng, các MNE được hưởng ưu đãi thuế với ETR thấp hơn 15% tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế bổ sung tại nước nơi đặt trụ sở chính. Điều đó làm giảm tác dụng của các ưu đãi thuế mà các CE của họ có hoặc sẽ được hưởng tại Việt Nam, dẫn đến nguy cơ giảm số lượng và chất lượng của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ở góc độ vĩ mô, điều này có thể tác động đến mục tiêu phát triển công nghiệp của đất nước, cũng như tăng trưởng xuất khẩu và dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp dụng Trụ cột 2 sẽ dẫn đến việc Việt Nam phải sửa đổi hệ thống pháp luật về thuế TNDN vốn đã khá phức tạp. Lần sửa đổi này không chỉ giới hạn trong Luật Thuế TNDN mà Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng cần được sửa đổi cho phù hợp.

Việt Nam cần làm gì để thích ứng trong bối cảnh mới?

Để thích ứng với những hệ quả mà Trụ cột 2 có thể mang lại cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các nước đang đẩy mạnh áp dụng chính sách thuế toàn cầu mới, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ sau để đảm bảo bắt kịp xu thế chung của thế giới:

Một là, nghiên cứu để sửa đổi các quy định hiện hành liên quan đến thuế TNDN, cụ thể:

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng rà soát hệ thống quy định pháp luật Việt Nam về thuế thu nhập doanh nghiệp, đánh giá tác động cụ thể của Trụ cột 2 tới hệ thống các quy định và tới hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó đề xuất phương án phù hợp để sửa đổi hệ thống quy định pháp lý và bổ sung các chính sách để bảo đảm đầu tư nước ngoài. Các cơ quan này cần phải trả lời được câu hỏi liệu Việt Nam có nên áp mức thuế này hay không, nếu có thì lộ trình áp dụng thế nào, tổ chức thực hiện thế nào để đảm bảo khả thi, hiệu quả và hạn chế xảy ra tranh chấp.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để đệ trình các đề suất sửa đổi đối với các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của BEPS để ban hành sớm nhất trước khi Trụ cột 2 có hiệu lực, đồng thời có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các quy định mới được sửa đổi.

Hai là, Việt Nam cần cân nhắc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực để hạn chế các tác động tiêu cực của chính sách đến nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù ảnh hưởng của chính sách thuế toàn cầu mới đến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên cần phải nhớ rằng, chính sách ưu đãi thuế không phải là công cụ của riêng Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài mà đây còn là công cụ của rất nhiều các quốc gia khác trên thế giới và không thể không kể đến các thiên đường thuế. Thay vì hướng tới ưu đãi về thuế, Việt Nam có thể thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng,… vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh. Nhìn một cách tích cực, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tự xây dựng, phát triển môi trường kinh doanh toàn diện hơn, thay vì chỉ tập trung vào ưu đãi thuế suất để thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Go to
  • Expertise
  • People
  • Cases
  • Courses
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh