banner

PHẢN ỨNG CỦA CÁC “ÔNG LỚN” ĐỐI VỚI THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU |

PHẢN ỨNG CỦA CÁC “ÔNG LỚN” ĐỐI VỚI THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

Thuế thu nhập doanh nghiệp (“thuế TNDN”) tối thiểu toàn cầu, hay còn biết đến là Trụ cột 2 của Giải pháp hai trụ cột do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (“OECD”) khởi xướng đã trở thành vấn đề “nóng bỏng” hơn bao giờ hết kể từ khi chúng xuất hiện.  Việt Nam là một trong nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi quy định thuế mới này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã có cam kết tuân thủ.

Về cơ bản, Trụ cột 2 thiết lập mức thuế suất thuế TNDN tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia (“MNEs”).  Bất cứ khi nào các ưu đãi về thuế khiến mức thuế suất áp dụng (“ETR”) đối với một MNE ở một khu vực tài phán dưới 15%, thì MNE đó có khả năng phải gánh chịu nghĩa vụ thuế bổ sung tại quốc gia sở tại của nó, đưa mức thuế suất lên 15%.  Điều này cũng có nghĩa là khi một MNE đầu tư vào một quốc gia, nó có thể sẽ phải chịu mức thuế suất tại quốc gia đó ít nhất là 15%.  Để có phân tích chuyên sâu hơn về quy tắc này, vui lòng tham khảo bài viết trước của chúng tôi tại liên kết sau: Trụ cột 2 của Thoả thuận hai trụ cột về thuế doanh nghiệp toàn cầu.  Bằng cách cam kết tuân thủ quy định thuế này, Việt Nam sẽ tăng mức thuế suất thuế TNDN lên 15% đối với nhiều tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động trong nước và những công ty hiện đang bị đánh thuế ở mức thấp hơn nhiều do được hưởng các ưu đãi về thuế.  Lợi ích của những “ông lớn” chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự thay đổi sắp tới này, và việc những “ông lớn” này phản ứng tiêu cực là điều khó tránh khỏi.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, vào tháng 4 năm 2023, các quan chức Chính phủ Việt Nam đã có cuộc gặp với các ông lớn công nghệ đang kinh doanh tại Việt Nam bao gồm Samsung Electronics (Hàn Quốc), LG Electronics (Hàn Quốc), Intel (Mỹ) và Bosch (Đức).  Dường như tất cả các tập đoàn này đều không hài lòng với đề xuất thay đổi chính sách thuế và yêu cầu các biện pháp hoặc các khoản bồi thường từ phía Chính phủ Việt Nam để bảo vệ lợi ích của họ, đổi lấy lợi ích kinh tế và xã hội mà các tập đoàn này đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại cho Việt Nam.  Có vẻ như Chính phủ Việt Nam đang đưa ra một kế hoạch để bù đắp cho sự tổn thất của những tập đoàn này đáp lại các yêu cầu của họ.  Sẽ là quá sớm để thảo luận về kế hoạch nói trên do chưa có bất kỳ văn bản chính thức nào được công bố, nhưng có khả năng Chính phủ sẽ cho phép các công ty có khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam được nhận các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt sau thuế hoặc các khoản tín dụng thuế được hoàn lại để giúp bù đắp các chi phí sản xuất hoặc nghiên cứu của họ.  Tổng chi phí của các biện pháp đền bù được dự đoán là không thấp, nhưng nó sẽ gần bằng với nguồn thu bổ sung mà Việt Nam dự kiến ​​nhận được từ việc tăng thuế áp dụng đối với các tập đoàn đa quốc gia phù hợp với quy tắc thuế toàn cầu mới.  Các công ty có quy mô vốn nhỏ hơn không nằm trong phạm vi của quy tắc thuế toàn cầu mới cũng được kỳ vọng sẽ nhận được các khoản tài trợ để giảm thiểu xung đột tiềm ẩn với quy định của OECD.

Ngoài các “ông lớn” nêu trên, các tập đoàn khổng lồ khác đang kinh doanh ở nhiều quốc gia khác nhau trong đó có Việt Nam chưa đưa ra tiếng nói của mình về các quy tắc thuế toàn cầu mới, ví dụ như Grab.  Tại Việt Nam, Grab hiện diện dưới cái tên Grab Co., Ltd (“Grab Việt Nam”).  Chỉ một phần vốn nhỏ của Grab Việt Nam được cho là thuộc sở hữu của Grab Holdings Inc (Singapore), phần còn lại do một cá nhân người Việt góp vốn.  Đây có thể là lý do khiến Grab Việt Nam và Grab Holdings Inc có khả năng không nằm trong phạm vi của Trụ cột 2 cũng như những thay đổi sắp tới về chính sách thuế của Việt Nam.  Tuy nhiên, do quy tắc thuế toàn cầu mới dự kiến ​​sẽ được nội luật hóa và có hiệu lực từ năm 2024, nên sẽ phải đợi đến thời điểm đó để biết được chính xác quy định về thuế TNDN của Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào và liệu các dự đoán, giả định nêu trên có chính xác hay không.

Nhiều người tin rằng cam kết áp dụng quy tắc thuế toàn cầu mới của Việt Nam sẽ không làm tổn hại đến vị thế của đất nước với các nhà đầu tư nước ngoài, mà ngược lại, nó sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam tăng nguồn thu từ thuế.  Nhiều người lại có quan điểm trái chiều.  Tuy nhiên, nếu thông tin về khoản bồi thường của Chính phủ được nhắc tới ở trên là chính xác, thì tình hình tài chính của Việt Nam được cho là sẽ không bị thay đổi đáng kể do cam kết.

Go to
  • Expertise
  • People
  • Cases
  • Courses
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh
Hình ảnh